THỦ TỤC THÀNH LẬP KHO NGOẠI QUAN
Thủ tục thành lập kho ngoại quan theo quy định của Pháp Luật
I. Điều kiện thành lập kho ngoại quan theo điều 22 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định
1. Kho ngoại quan: là khu vực kho, bãi được ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện các dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng.
2. Khu vực được phép thành lập kho ngoại quan:
a) Cảng biển quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu đường sắt và đường bộ quốc tế là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa Việt Nam với nước ngoài, có điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt khác.
3. Điều kiện thành lập kho ngoại quan:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Có chức năng kinh doanh kho bãi, giao nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Kho, bãi được thành lập tại các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan;
d) Có cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện vận chuyển phù hợp yêu cầu lưu giữ, bảo quản hàng hoá và kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
II. Hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan:
Doanh nghiệp thoả mãn các điều kiện quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 112/2005/TT-BTC có nhu cầu thành lập kho ngoại quan thì có văn bản và hồ sơ gửi Cục Hải quan nơi doanh nghiệp dự kiến thành lập Kho ngoại quan để được xem xét.
Hồ sơ xin thành lập Kho ngoại quan gồm:
a. Đơn xin thành lập kho ngoại quan (mẫu do Tổng cục Hải quan ban hành);
b. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao trong đó có chức năng kinh doanh kho bãi);
c. Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, hệ thống phòng chống cháy, nổ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan;
d. Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi.
III. Thủ tục xét cấp phép thành lập kho ngoại quan:
a. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Cục Hải quan tiến hành:
- Kiểm tra hồ sơ;
- Khảo sát thực tế kho, bãi;
- Báo cáo kết quả và kiến nghị với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
b. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, kiến nghị của Cục Hải quan và hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định cấp Giấy phép thành lập kho ngoại quan hoặc có văn bản trả lời nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện quy định tại Điều 22 của Nghị định.
IV. Thủ tục di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan:
Hồ sơ hải quan:
Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích kho, bãi của kho ngoại quan đã được Tổng cục Hải quan cấp giấy phép thành lập ngay tại địa điểm xây dựng của kho hoặc có nhu cầu di chuyển kho ngoại quan từ địa điểm đã được Tổng cục Hải quan cấp giấy phép thành lập đến địa điểm mới nhưng vẫn nằm trong một khu vực được phép thành lập kho ngoại quan thì lập hồ sơ gửi Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan, hồ sơ gồm:
- Đơn xin di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan;
- Sơ đồ kho, bãi khu vực di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan;
- Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi di chuyển, mở rộng.
KHO BẢO THUẾ
1. Kho bảo thuế được quy định tại Điều 79 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp được đưa vào lưu giữ tại kho bảo thuế chưa phải tính, nộp thuế nhập khẩu và các thuế liên quan khác.
Nguyên phụ liệu nhập khẩu và sản phẩm được lưu giữ tại kho bảo thuế chỉ bao gồm nguyên phụ liệu dùng để cung ứng cho sản xuất và sản phẩm sản xuất ra của chính doanh nghiệp đó.
2. Các điều kiện thành lập kho bảo thuế được quy định tại Điều 79 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP.
Để đảm bảo yêu cầu quản lý của hải quan, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Chấp hành tất cả các quy định của pháp luật; quan hệ về kinh doanh, tài chính, tín dụng rõ ràng.
b) Có sử dụng hệ thống sổ sách, chứng từ theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu, xuất kho, nhập kho đầy đủ, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, hoặc sử dụng hệ thống sổ sách, chứng từ được cơ quan nhà nước có Thẩm quyền Việt Nam chấp thuận.
c) Nhà máy và kho phải đặt ở khu vực thuận lợi cho việc quản lý, giám sát của hải quan.
3. Thủ tục xin thành lập kho bảo thuế.
3.1: Doanh nghiệp muốn thành lập kho bảo thuế phải nộp cho hải quan tỉnh, thành phố sở tại hai bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
Đơn xin thành lập kho.
Giấy phép đầu tư (bản sao công chứng).
Sơ đồ doanh nghiệp và sơ đồ kho bảo thuế.
Quy tắc hoạt động kho bảo thuế của doanh nghiệp.
3.2. Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày nhận đủ Hồ sơ hợp lệ, hải quan tỉnh, thành phố liên quan phải tổ chức khảo sát và nếu đủ điều kiện thì làm văn bản đề xuất với Tổng cục Hải quan (kèm 1 bộ hồ sơ). Văn bản đề xuất phải có nhận xét đầy đủ, cụ thể về tất cả các điều kiện được quy định tại điểm 2, Phần III của Thông tư này, về đối tượng xin thành lập kho, khả năng giám sát, quản lý và kiểm tra kho của hải quan địa phương.
Chậm nhất 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ và đề xuất của hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan sẽ cấp giấy phép thành lập kho bảo thuế hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp.
Giấy phép thành lập kho bảo thuế có giá trị trong 1 (một) năm. Hết hạn, nếu doanh nghiệp vẫn đáp ứng đủ các điều kiện và có đơn đề nghị gia hạn kèm đề xuất của Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì Tổng cục Hải quan sẽ xem xét gia hạn từng năm một.
Trường hợp kho bảo thuế hết thời hạn hiệu lực, nếu doanh nghiệp không tiếp tục xin gia hạn nữa thì phần nguyên phụ liệu còn tồn trong kho được giải quyết như sau:
Trường hợp doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng và có văn bản đề nghị thì hải quan làm thủ tục cho tái xuất hoặc tiêu hủy.
Nếu doanh nghiệp có văn bản xin chuyển sang loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc sản xuất để tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan mới, hải quan tính thuế và ra thông báo thuế. Thời điểm để đăng ký tờ khai, tính thuế là thời điểm hết hiệu lực của kho bảo thuế. Thời gian gia hạn thực hiện theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với từng loại hình.
3.3. Để được thành lập và gia hạn kho bảo thuế, doanh nghiệp phải nộp một khoản lệ phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2000/TTLT-BTC-TCHQ ngày 19/7/2000 của Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan.
4. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho bảo thuế.
Thủ tục hải quan đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế và đối với sản phẩm xuất khẩu như thủ tục hải quan đối với một lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu bình thường. Riêng phần tính thuế, nộp thuế của nguyên phụ liệu nhập khẩu thực hiện như sau:
4.1. Doanh nghiệp phải mở tờ khai riêng cho phần nguyên phụ liệu nhập khẩu được bảo thuế.
Phần nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất tiêu thụ nội địa mở tờ khai riêng.
Căn cứ để xác định tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu được bảo thuế là tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm ghi trong giấy phép đầu tư (nếu doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu theo đúng tỷ lệ quy định của giấy phép đầu tư) hoặc tỷ lệ do doanh nghiệp xác định, nhưng không được dưới 50% sản phẩm sản xuất ra. Trong cả hai trường hợp, doanh nghiệp đều phải có văn bản đăng ký gửi cho hải quan tỉnh, thành phố quản lý kho bảo thuế và Tổng cục Hải quan trước ngày 01 tháng 1 hàng năm.
Căn cứ vào tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước do doanh nghiệp đăng ký theo cách nói trên, hải quan thực hiện việc đăng ký tờ khai, tính thuế, thu thuế nhập khẩu phần nguyên phụ liệu để sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ tại nội địa.
Phần nguyên phụ liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế để sản xuất hàng xuất khẩu, hải quan chưa tính thuế trên tờ khai nhưng phải xác định rõ tên hàng, chủng loại, lượng hàng này trên tờ khai và phải vào sổ theo dõi.
4.2. Hàng hóa đưa vào kho bảo thuế nếu bị hư hỏng, giảm phẩm chất không đáp ứng yêu cầu sản xuất thì được làm thủ tục hải quan để tái xuất hoặc tiêu hủy. Việc tiêu hủy được thực hiện như sau:
Doanh nghiệp làm văn bản gửi hải quan quản lý kho bảo thuế, nêu rõ lý do, tên hàng, chủng loại, số lượng nguyên phụ liệu cần hủy, thuộc tờ khai nhập khẩu số, ngày, tháng, năm.
Doanh nghiệp tự t��� chức và chịu trách nhiệm về việc tiêu hủy. Việc tiêu hủy được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan hải quan, cơ quan thuế và cơ quan Môi trường.
Kết quả tiêu hủy phải được lập biên bản Chứng nhận. Biên bản này là chứng từ thanh khoản sau này.
4.3. Vấn đề lưu giữ nguyên phụ liệu trong kho bảo thuế. Doanh nghiệp được lưu giữ cả nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuân khẩu và tiêu thụ trong nước trong kho bảo thuế, nhưng phải để tách riêng từng loại, hải quan quản lý riêng từng loại. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp có thể chuyển một phần nguyên phụ liệu từ loại này sang loại khác, nhưng phải làm văn bản đề nghị hải quan địa phương và chấp hành đúng tỷ lệ xuất khẩu đã đăng ký.
Khi nhập khẩu nguyên phụ liệu, Người gửi hàng không nhất thiết phải tách chứng từ và hàng hóa thành hai loại, mà có thể gửi một lô chung cho cả hai loại hình. Nhưng khi làm thủ tục nhập khẩu thì phải lập tờ khai riêng cho từng loại.
4.4. Kết thúc năm kế hoạch (ngày 31 tháng 12 hàng năm) chậm nhất là ngày 31 tháng 1 năm tiếp theo, doanh nghiệp phải lập bảng tổng hợp các tờ khai và tổng lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu được hưởng chế độ bảo thuế, tổng hợp các tờ khai xuất khẩu và tổng lượng sản phẩm xuất khẩu gửi cơ quan hải quan. Sau khi kiểm tra về tính chính xác của báo cáo, đối chiếu với hồ sơ lưu của hải quan và căn cứ vào tỷ lệ sản phẩm phải xuất khấu doanh nghiệp đã đăng ký hải quan giải quyết như sau:
a) Nếu tỷ lệ xuất khẩu thấp hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay cho phần sản phẩm hoàn chỉnh chênh lệch giữa lượng sản phẩm phải xuất khẩu và lượng sản phẩm thực xuất. Ngoài ra doanh nghiệp còn bộ phạt nộp chậm thuế theo đúng quy định của pháp luật: Nếu xuất khẩu dưới 50% sản phẩm hoặc sau 3 năm liên tiếp doanh nghiệp vẫn không thực hiện đúng tỷ lệ đã cam kết thì hải quan tỉnh thành phố báo cáo đề nghị Tổng cục Hải quan thu hồi giấy phép kho bảo thuế.
Mức thuế áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính vào thời điểm hải quan ra quyết định thu thuế.
b) Nếu tỷ lệ xuất khẩu cao hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp được hoàn thuế phần chênh lệch giữa thực xuất và phần đã nộp thuế.
c) Doanh nghiệp có kho bảo thuế phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của các báo cáo tổng hợp nêu ở điểrn này.
4.5. Hàng hóa nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế không được bán vào thị trường Việt Nam. Trường hợp được Bộ Thương mại cho phép bán tại thị trường Việt Nam thì doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật.
5. Quản lý của hải quan đối với kho bảo thuế.
Nguyên tắc, kho bảo thuế tại doanh nghiệp chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan: tùy theo điều kiện cụ thể Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định việc tổ chức, giám sát trực tiếp hoặc xác định quyền kiểm tra, giám sát nhưng thông trực tiếp giám sát thường xuyên. Việc kiểm tra, giám sát của hải quan chủ yếu thực hiện khi thực tế có hàng hóa đưa vào, đưa ra kho bảo thuế thông qua việc: làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu của doanh nghiệp; việc thanh khoản lô hàng; kiểm tra các báo cáo của họ đối với doanh nghiệp; kiểm tra trực tiếp, đột xuất (kể cả kiểm tra sổ sách, chứng từ, hệ thống lưu trữ trong mạng vi tính, kiểm kê hàng hóa trong kho).
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức việc quản lý kho, tạo mọi điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ đối với hải quan trong việc thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát nói trên.
CÔNG TY CỔ PHẦN KẾT NỐI VIỆT (VIETLINK)
Hotline: Mrs. Hạnh 0976-58-55-58
Email: sales@vietlink.net.vn
Xem thêm