QUY TRÌNH LÀM FBA AMAZON

Amazon FBA là một chuỗi nhiều hoạt động nối tiếp liên quan chặt chẽ với nhau. Hôm nay VIETLINK sẽ hướng dẫn bạn quy trình làm FBA từng bước để bạn dễ dàng hình dung và thực hiện.

Quy trình làm FBA Amazon – Hệ thống kiếm tiền với FBA

 

1. Thiết lập ban đầu

Đây là bước đầu tiên trong quy trình làm FBA. Các thuật ngữ bạn cần nắm tại bước này

  • Seller account: Tài khoản người bán
  • Seller center: Trung tâm người bán hàng, quản lý toàn bộ các thông tin về hàng hóa, doanh thu, hàng trả lại, tồn kho,…

Đăng ký tài khoản bán hàng: Đây là bước đầu tiên và bạn chỉ cần làm một lần. Tại bước này, bạn sẽ đăng ký Seller account tại Seller Center và cài đặt các thông tin tài khoản.

Đăng ký tài khoản Payoneer: Đăng ký Payoneer, bạn sẽ được cấp một tài khoản ngân hàng tại Mỹ và một thẻ Debit Master card. Tài khoản ngân hàng này bạn dùng để nhận thanh toán từ Amazon và thẻ Debit Master card có thể dùng để rút tiền tại các máy ATM.

Lưu ý: Payoneer phù hợp với những người bán hàng không sinh sống tại Mỹ như Việt Nam chẳng hạn. Còn nếu bạn sống ở Mỹ hoặc các thị trường có hỗ trợ dịch vụ Amazon FBA thì sẽ có rất nhiều lựa chọn thay thế khác nhé!

2. Nghiên cứu sản phẩm

Đây chắc chắn là phần thú vị nhất trong quy trình làm FBA, mất nhiều thời gian nhất và cũng là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của bạn. Bạn sẽ quyết định mình sẽ bán sản phẩm gì cho thị trường mục tiêu.

Bước 1: Nghiên cứu thị trường

Khi tham gia dịch vụ Amazon FBA, chúng ta sẽ bắt đầu tại thị trường Mỹ và Canada, tức là bán tại Amazon.com

Lưu ý: Amazon.com chỉ áp dụng dịch vụ FBA tại Mỹ và Canada. Ở các thị trường khác, bạn sẽ phải gửi hàng hóa tới kho ở quốc gia đó.

Do đó, bạn nên dành thời gian tìm hiểu về văn hóa, cách sống của người dân quốc gia đó. Hay đơn giản hơn là phân tích xu hướng tiêu dùng, dự đoán nhu cầu của sản phẩm trong tương lai và từ đó làm cơ sở để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất!

Bước 2: Phân tích sản phẩm

Giờ là lúc tiến hành lựa chọn sản phẩm. Có một điều mà hầu hết những người mới sẽ rất bối rối đó là các tiêu chí để lựa chọn sản phẩm? Có vài điểm bạn cần lưu ý tại bước này:

  • Categories – Danh mục sản phẩm: Thông thường thì các sản phẩm mà bạn ngắm đến sẽ ở trong một danh mục nhất định. Bạn chỉ việc truy cập vào trang nguồn hàng và tìm kiếm theo danh mục để lựa chọn các sản phẩm ưng ý về giá cả, tính năng,…
  • Từ khóa: Bạn cần nghiên cứu về từ khóa sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ tìm kiếm sản phẩm mà bạn định lựa chọn thông qua các từ khóa tìm kiếm nào ? Độ khó của từ khóa đó ra sao ? Số lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng, hàng năm hoặc theo từng giai đoạn ra sao ? Để làm cơ sở chọn mua sản phẩm, số lượng sẽ mua để nhập kho.
  • Đối thủ cạnh tranh: Một điều hiển nhiên là phải phân tích đối thủ rồi, biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng. Amazon là một thị trường lớn với hàng triệu người bán hàng đến từ nhiều quốc gia, do đó mà việc bán trùng một sản phẩm là điều bình thường. Bạn cần xem xét đối thủ của bạn là ai ? Họ đến từ đâu ? Đang bán sản phẩm gì ? Giá cả ra sao ?…

Trải qua các bước trên, hẳn bạn đã hình dung ra sản phẩm mà mình sẽ bán trên Amazon rồi. Bước tiếp theo, chúng ta sẽ tìm kiếm supplier (nhà cung cấp) và thương lượng nhé!

3. Tìm kiếm supplier, đặt hàng mẫu

Tiếp theo trong quy trình làm FBA là bạn sẽ tìm kiếm nguồn hàng. Bạn sẽ xem xét giá cả, chất lượng sản phẩm và đặt hàng mẫu (nếu muốn) để kiểm tra.

3.1 Nguồn hàng

  • Alibaba.com : Là lựa chọn đầu tiên mà hầu hết mọi người nghĩ tới khi tìm kiếm sản phẩm.
  • 1688.com : Một thành viên của Alibaba, nhưng tiếng Trung Quốc được sử dụng chính.

Lưu ý: Bạn có thể tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nguồn khác bên cạnh 2 nguồn này. Tuy nhiên, Alibaba và 1688 là 2 nguồn hàng tiêu biểu mà VIETLINK đề xuất. Bởi đã có rất nhiều dân FBA lấy hàng ở đây. Supplier phần lớn cũng am hiểu về Amazon FBA nên họ sẽ hỗ trợ bạn được rất nhiều trong khâu đóng gói, vận chuyển. Và hơn hết, Trung Quốc thực sự là “kho chứa” sản phẩm cực lớn, chẳng có thứ gì mà quốc gia đông dân nhất thế giới này không có cả!

3.2 Đặt hàng mẫu

Nếu bạn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và uy tín của supplier, bạn có thể bỏ qua bước này. Thông thường bạn sẽ phải mua hàng mẫu với giá bán lẻ và chịu phí vận chuyển. Thỉnh thoảng, nếu gặp suppliers nhiệt tình hoặc bạn “may mắn”, bạn sẽ được nhận hàng mẫu miễn phí.

4. Đàm phán

Dựa trên thông tin liên hệ của supplier mà bạn tiến hành liên lạc, thương lượng với họ số lượng hàng hóa sẽ nhập, giá cả, dịch vụ hỗ trợ. Thông thường, trong quá trình đàm phán với supplier bạn sẽ phải làm rõ các vấn đề như:

  • Giá: Giá có thể giảm rất nhiều so với giá niêm yết sản phẩm ban đầu. Điều này dựa trên số lượng sản phẩm mà bạn đặt hàng, đặt càng nhiều thì giá càng giảm.
  • Chất lượng: Chất lượng sản phẩm của supplier là như nhau bởi hầu hết supplier đều có nhà máy sản xuất riêng. Tuy nhiên, bạn nên nhắc nhở họ phải sản xuất sản phẩm có chất lượng như mô tả ban đầu hoặc như sản phẩm mẫu (nếu bạn hàng mẫu từ trước).
  • Dịch vụ hỗ trợ: Đừng chần chừ, bạn hãy hỏi họ có hỗ trợ các khâu đóng gói, vận chuyển, dán nhãn,… luôn hay không. Nếu bạn lấy hàng từ Alibaba thì phần lớn các supplier sẽ biết đến dịch vụ Amazon FBA và họ cũng có mối quan hệ sẵng với các đơn vị vận chuyển quốc tế, do đó họ có thể hỗ trợ bạn tối đa các khâu như thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng vào Mỹ,… Bạn hãy làm việc thật kỹ các vấn đề này, hạn chế tối đa việc phải sử dụng thêm các đối tác liên kết khác, điều này sẽ làm rắc rối hóa quy trình của bạn. Nếu cần thiết, hãy tìm supplier khác.

Mục đích đàm phán

Về cơ bản, việc đàm phán chủ yếu là để giảm giá thành của sản phẩm. Có thể giảm tới 50% – 70% giá niêm yết ban đầu tùy vào số lượng mà bạn đặt. Đừng quên giữ thái độ thân thiện, cởi mở và nhiệt tình để xây dựng mối quan hệ kinh doanh bền vững. Bởi suppliers là người sẽ đồng hành cùng bạn lâu dài trong mối quan hệ hợp tác làm ăn – đôi bên cùng có lợi.

Đậm chất kinh doanh đúng không nào ? 😀

5. Khai báo sản phẩm

Phần này khá quan trọng trong quy trình làm FBA. Khai báo sản phẩm, hay còn gọi là list item, tạo shipment. Sản phẩm bán được chia làm 2 loại:

  • Resell: Bán các sản phẩm có sẵng của người khác. Ví dụ như bạn lấy giày Converse hoặc Vans để bán lại chẳng hạn.
  • Private label: Thiết kế nhãn hàng riêng của mình. Ví dụ như bạn mua đồ bảo hộ lao động của supplier nhưng thiết kế bao bì, logo của bạn và đóng gói sản phẩm vô đó. Mọi thứ hoàn toàn mang dấu ấn riêng của bạn.

5.1 Tạo shipment

Tại bước này, bạn sẽ khai báo trên Amazon sản phẩm sẽ được vận chuyển, nhập vào kho lưu trữ và bán hàng. Các thông tin khai báo cơ bản như: tên sản phẩm, giá bán, hình ảnh sản phẩm, product ID, mô tả sản phẩm…

Sau khi hoàn tất quá trình khai báo sản phẩm, bạn sẽ nhận được các thông tin như tên công ty, địa chỉ kho của Amazon. Việc cuối cùng là bạn sẽ gửi các thông tin này đến cho supplier để họ dán vào lô hàng của bạn và tiến hành vận chuyển đến địa chỉ được Amazon cung cấp.

5.2 Thiết kế bao bì

Bên cạnh việc tạo shipment, bạn cũng tiến hành việc thiết kế bao bì, logo cho sản phẩm. Bạn có thể tự thiết kế hoặc thuê các dịch vụ bên ngoài dựa trên ý tưởng của bạn.

Việc thiết kế bao bì, logo cho sản phẩm thông thường sẽ được thực hiện đồng thời trong quá trình tạo shipment, bởi khi tạo shipment bạn cũng sẽ phải liên hệ với supplier để lấy các thông tin như số sản phẩm sẽ đóng vào 1 hộp, số hộp trong mỗi thùng hàng, số thùng hàng của đơn đặt hàng,… Do đó, sau khi tạo shipment xong bạn cần thực hiện ngay quá trình thiết kế logo, bao bì và gửi sang cho supplier cùng với thông tin của shipment, để supplier có thể đóng gói sản phẩm bằng logo của bạn và dán thông tin vận chuyển vào lô hàng.

6. Đặt hàng, vận chuyển

Khi đã hoàn tất các quá trình đàm phán, thương lượng thì bạn tiến hành đặt hàng, thanh toán cho supplier để họ tiến hành sản xuất sản phẩm và gửi hàng sang kho Amazon cho bạn. Quy trình làm FBA cơ bản đã hoàn tất. Hàng hóa của bạn sẽ được vận chuyển bằng được biển hoặc hàng không. Chi phí vận chuyển bằng đường không sẽ cao hơn khi sử dụng đường biển, nhưng bù lại thì thời gian vận chuyển sẽ nhanh hơn rất nhiều. Việc vận chuyển bằng đường biển hay đường hàng không sẽ do bạn quyết định khi thỏa thuận với supplier.

Từ bước này trở đi bạn sẽ không phải làm gì nữa… chỉ việc chờ hàng nhập kho và bán thôi.

7. Product launch

Dịch sang tiếng Việt là “Khởi chạy sản phẩm”. Đây là phần được coi là “khó nhằn” trong quy trình làm FBA.

Dù bạn bán ngay trên Amazon.com hay các kênh khác thì cũng phải sử dụng nhiều kiến thức digital marketing. Hãy sẵn sàng để bắt đầu nghiên cứu và học dần từ hôm nay nhé! :D.

8. Quản lý tồn kho, đặt hàng bổ sung

Đây là bước mà bạn sẽ phải theo dõi liên tục trong chuỗi quy trình làm FBA.

Sau một thời gian product launch (khởi chạy sản phẩm), bạn sẽ có sale. Amazon sẽ lấy hàng của bạn trong kho và vận chuyển đến khách. Cứ như vậy hàng hóa trong kho của bạn sẽ vơi dần, vơi dần. Việc của bạn lúc này là căn lượng tồn kho để đặt thêm hàng bổ sung, tránh để “out of stock” (hết hàng) xảy ra vì nó sẽ làm giảm thứ hạng của sản phẩm (nếu bán trên Amazon.com), hoạt động kinh doanh của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nhỏ thế này.

9. Kết thúc quy trình làm FBA

Trên đây là quy trình làm FBA Amazon mà bất cứ một ai cũng sẽ lần lượt trải qua. Thực tế ở các bước sẽ có rất nhiều các chi tiết phát sinh khác mà bạn cần phải nắm, VIETLINK đã gói gọn lại thành 8 bước để bạn dễ dàng hình dung và thực hiện.

Bước chân vào kinh doanh quả thật không dễ dàng chút nào phải không ? Có nhiều thứ cần phải học, nhưng không phải cứ học – làm là sẽ thành công. Thực tế đã có rất nhiều người tham gia FBA Amazon rồi thất bại. Phần là vì lựa chọn sản phẩm chưa phù hợp, phần là tìm hiểu một cách tự phát mà không tuân theo một quy trình làm FBA thống nhất hay áp dụng các chiến lược product launch chưa phù hợp dẫn đến không bán được hàng, chi phí tồn kho và marketing vẫn phải trả đã làm họ lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Việc cân nhắc, tính toán cẩn thận ở từng công đoạn, hạn chế các chi phí không cần thiết trong suốt quá trình thực hiện sẽ giúp bạn có một kế hoạch kinh doanh thuận lợi.

“Gian nan chồng chất gian nan” – Mọi thứ mới chỉ là bắt đầu! Bạn có đủ bản lĩnh ? Bạn có đủ ý chí và quyết tâm đi trên con đường khởi nghiệp đầy sóng gió, thử thách này chưa ?


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng